Chiến lược giao dịch

0
4135
Chiến lược giao dịch chứng khoán phái sinh

Chiến lược giao dịch chứng khoán phái sinh: Thực tế giao dịch CKPS cho thấy, chỉ có khoảng 5% NĐT có lời trong khi còn lại là thua lỗ. Nguyên nhân tại sao tỷ lệ thất bại lại cao vậy?Đó là vì: NĐT chưa trang bị cho mình kiến thức cần thiết nhất trước khi giao dịch và chưa có 1 chiến lược giao dịch CK phái sinh hiệu quả. Dù làm bất cứ việc gì nói chung và giao dịch chứng khoán nói riêng, đặc biệt là CKPS; NĐT cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản đủ vững sau đó mới bắt đầu giao dịch. Có một NĐT huyền thoại đã nói rằng: “ Nếu tôi có 6 giờ để đốn 1 cây to, thì tôi sẽ dành ra 4 giờ mài bén lưỡi rìu của tôi”.  Đối với chứng khoán chính xác là vậy! Học tập lý thuyết và kinh nghiệm thực chiến không bao giờ là đủ (NĐT cần tìm hiểu về sách chứng khoán xem tại đây). NĐT cần luôn học hỏi để nâng cao trình độ và tìm ra/chọn ra cho mình một chiến lược giao dịch/đầu tư phù hợp. Để làm được điều đó,chúng tôi xin được giới thiệu tới NĐT bài viết dưới đây. Bài viết cũng sẽ cung cấp những góc nhìn cụ thể và thực tế thị trường giúp NĐT hạn chế sai lầm, tăng cường khả năng phán đoán để giao dịch CK phái sinh thắng lợi.

Trước khi giới thiệu các chiến lược giao dịch cụ thể. Chúng tôi muốn đề cập đến 1 quy luật/nguyên tắc chính của thị trường để giúp NĐT có cái nhìn tổng quan trước khi giao dịch. Trước tiên: khi bước vào trận chiến bạn cần biết gì? Bạn cần xem “Thiên thời” thế nào? “Địa lợi” ra sao? Cái đó trong CKPS chính là tổng quan thị trường, diễn biến và xu hướng trung dài hạn của thị trường. Biết được xu hướng chính rồi, kế tiếp NĐT cần tuân thủ nguyên tắc giao dịch “thuận theo xu hướng”. Đây chính là nguyên tắc cốt lõi mà chúng tôi muốn NĐT tìm hiểu thật nghiêm túc và áp dụng triệt để khi giao dịch. Việc xác định tuần này, hôm nay mua hay bán quan trọng hơn mua bán ở điểm nào, giá nào. Nếu chỉ nhìn vào xanh thì MUA, đỏ thì BÁN tất sẽ dẫn đến bị lỗ. Nên chúng tôi xin được tổng quan lại ý này bằng câu tâm đắc sau:” Xu hướng quan trọng hơn giá

Cụ thể hơn, đối với bất kỳ phương pháp giao dịch theo xu hướng trung hạn, hay giao dịch lướt sóng trong ngày. Nếu muốn thành công, ngay từ đầu NĐT cần tìm ra thị trường đang có xu hướng tăng hay giảm. Nếu các chỉ báo trên thị trường đã củng cố cho các tín hiệu thị trường, xác lập xu hướng lên thì vị thế chủ đạo mà NĐT duy trì trong suốt quá trình giao dịch nên là Long(Mua) và ngược lại khi xu hướng giảm được xác lập thì vị thế chủ đạo mà NĐT nắm giữ sẽ là Short(Bán). Các vị thế mở sẽ được duy trì cho đến khi có các tín hiệu đảo chiều xu hướng đáng kể xuất hiện. NĐT cần biết rằng trong xu hướng xuống thì các nhịp bật lại kỹ thuật theo chiều lên thường rất ít, ngắn và khó xác định. Ngược lại, trong xu hướng lên, các nhịp điều chỉnh giảm cũng thường ngắn, nhỏ và khó xác định. Nếu chưa mở vị thế giao dịch, NĐT nên kiên nhẫn chờ những cơ hội thật rõ ràng rồi mới mở vị thế. Sẽ rất rủi ro, tâm lý sẽ dễ bị lay động và có thể nói là sai lầm nếu NĐT cố giao dịch ngược lại xu hướng chính.

Sẽ càng sai lầm hơn nếu NĐT cố tình bám xu hướng sai và đi ngược xu hướng nhiều lần. Chúng tôi đã được chứng kiến nhiều NĐT bị thiệt hại nặng nề khi cố chống lại xu thế chính. Khi thị trường đang tăng NĐT mở vị thế Short chờ giá xuống, càng lên càng Short với hi vọng thị trường sẽ đảo chiều. Nhưng nhiều lúc thị trường không chiều lòng người như vậy.Khi thị trường bước vào các nhịp tăng giá thì càng về sau nó càng tăng mạnh nên NĐT sẽ bị thiệt hại nặng và có thể cháy cả tài khoản. Do vậy, NĐT cần phải luôn giữ được đầu óc tỉnh táo. Biết rõ xu hướng chủ đạo của TT đang là gì rồi chờ đợi cơ hội đến để hành động. NĐT cần tuyệt đối tránh giao dịch liên tục, bị cuốn theo những diễn biến ngắn của thị trường và quên mất xu hướng chính đang là gì. Nếu các nhịp điều chỉnh/phục hồi ngược với xu hướng chính xuất hiện thì NĐT nên kiên nhẫn chờ TT chỉnh về điểm hỗ trợ hoặc phục hồi về điểm kháng cự để tiếp tục mở vị thế thuận theo xu hướng thị trường.

Ngoài ra, cũng giống như thị trường chứng khoán cơ sở. Thị trường chứng khoán phái sinh cũng có đặc điểm nổi bật là tính tâm lý cao. Khi VN30F1M > VN30 cho thấy thị trường đang lạc quan, đôi khi chênh lệch quá lớn(trên 10 điểm) tức lạc quan thái quá sẽ hàm chứa rủi ro đảo chiều giảm. Lúc này NĐT không nên mở vị thế Long. Ngược lại, khi VN30F1M < VN30 cho thấy thị trường bi quan và khi chênh lệch quá lớn(trên 10 điểm) tức bi quan thái quá sẽ hàm chứa rủi ro đảo chiều tăng.

Một đặc điểm khác nữa mà CKPS cũng giống thị trường cơ sở đó là khi thị trường tăng thì tăng thường rất chậm, nhưng xuống thì rất nhanh, vì vậy mà nhiều NĐT thích Short Sell hơn là Buy Long. Do đặc điểm này mà NĐT khi đang Long trong thị trường giảm phải hết sức cẩn thận và nên nhanh chóng đóng vị thế nếu đang đi ngược xu hướng giảm của thị trường. Nắm được các đặc tính này của TTCKPS sẽ giúp NĐT hiểu được hơn về TT và giao dịch chính xác hơn.

Trên đây là những điều cần nắm vững và lưu ý về TT CKPS. Bây giờ chúng tôi sẽ giới thiệu đến NĐT 3 chiến lược giao dịch chứng khoán phái sinh cơ bản nhất để NĐT tham khảo khi giao dịch CKPS:

1. Chiến lược giao dịch chứng khoán phái sinh theo xu hướng thị trường

Đối với chiến lược giao dịch này, đầu tiên và quan trọng nhất là NĐT cần xác định được xu hướng chính của TT đang là tăng, giảm, hay đi ngang? Để làm được việc này, NĐT cần phân tích đồ thị của các chỉ số chính đại diện nhất. Đầu tiên, NĐT xem xu hướng trung dài hạn của chỉ số VN Index hiện tại đang thế nào?

Sau đó, do chúng ta giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30, nên chúng ta cần phân tích cụ thể chỉ số VN30 làm cơ sở, xác định xu hướng trung hạn cụ thể của VN30 trên biểu đồ tuần.

Để nhận biết được xu hướng trung hạn cụ thể của chỉ số VN30, NĐT có thể sử dụng các công cụ như vị thế của giá so với các đường MA, đường xu hướng, kênh xu hướng hoặc sóng Elliot,…Hoặc đơn giản hơn NĐT chỉ cần xem giá đã tạo các đáy cao hơn hay đỉnh thấp hơn để biết được xu hướng đang là tăng hay giảm. Để rõ hơn về kiến thức phân tích kỹ thuật này, NĐT tìm hiểu thêm tại đây. Bước này chúng ta chỉ cần phân tích 1 lần và có thể sử dụng cho nhiều tháng tiếp theo.

Sau khi đã xác định được xu hướng chính của thị trường hay VN30. NĐT theo dõi đồ thị và diễn biến giá VN30 và VN30F1M hàng ngày và dùng nến ngày. NĐT nên phân tích trên Vn30 cơ sở và đặt lệnh trên VN30F1M. NĐT có thể kết hợp biểu đồ tuần và ngày của VN30 và VN30F1M. Sử dụng kênh xu hướng hoặc MA, hỗ trợ kháng cự hoặc Fibonacci hoặc nến Nhật Bản để xác định điểm đảo chiều. Nếu xu hướng chính là lên, NĐT chờ điểm vào tại các nhịp chỉnh, khi giá ở vùng hỗ trợ hoặc xuất hiện nến đảo chiều đi lên, giá chạm kênh giá dưới, giá chạm MA hỗ trợ, giá bứt phá tại vùng tích lũy… NĐT có thể mua vào dần. Ngược lại, nếu xu hướng chính là xuống, NĐT chờ nhịp nảy lên kỹ thuật, quan sát giá phản ứng với ngưỡng kháng cự là đường MA, đường cản chéo trên hoặc đường trên của kênh giảm giá, hoặc hình mẫu nến đảo chiều giảm giá… để tham gia dần vị thế bán(Short).

Minh họa điểm mua trung hạn như đồ thị dưới đây:

Minh họa điểm bán trung hạn theo đồ thị dưới đây:

NĐT cũng cần quan sát các tín hiệu đảo chiều khác của thị trường. Ví dụ nếu giá đang ở xu hướng lên, giá của phái sinh thường cao hơn cơ sở. Nếu đột nhiên giá của phái sinh giảm trước và thấp hơn cơ sở thì đó là tín hiệu của thị trường có thể đảo chiều đi xuống.

Đối với điểm dừng cắt lỗ và chốt lời của lệnh giao dịch theo xu hướng trung hạn nên là:  Sl:2.5-4.5% điểm, TP: 8-15-20% điểm. Đối với cắt lỗ, NĐT chỉ nên đặt một mức(1 lần cắt). Ví dụ, NĐT dự kiến mua VN30F1M tại 880đ, dự kiến cắt lỗ khi giá giảm 3% tức là 880×0.03=26.4đ. Như vậy, NĐT sẽ đặt giá cắt lỗ tại 853.6đ. Đối với chốt lời, NĐT có thể chia ra làm1 hoặc hai lần chốt hoặc hơn. Ví dụ NĐT mua hai vị thế tại 880đ và dự kiến chốt lời 1 vị thế khi lời 8% tức là tại giá 950.4 và 1 vị thế khi lời 15% tức là tại giá 1012đ. Do diễn biến của TTCKPS diễn ra rất nhanh, đòn bẩy lớn nên để đảm bảo an toàn, NĐT khi đặt lệnh mua bán cần đặt luôn ngưỡng chốt lời và cắt lỗ để chủ động trong giao dịch. Đây cũng giống như việc NĐT mua bảo hiểm đối với tài khoản giao dịch phái sinh của mình.

Khi giao dịch theo xu hướng trung hạn, do thời gian nắm giữ vị thế tính bằng vài tuần nên NĐT cần chú ý đến thời điểm đáo hạn của hợp đồng. NĐT có thể mua bán hợp đồng ở các tháng kế tiếp tháng hiện tại để đảm bảo thời gian nắm giữ được lâu mà không cần đảo mã hợp đồng. Một lợi thế rất lớn giúp NĐT yên tâm nắm giữ vị thế của hợp đồng phái sinh theo trung hạn là không mất tiền lãi duy trì vị thế qua đêm. Nếu đối với chứng khoán cơ sở khi sử dụng đòn bẩy tài chính qua đêm NĐT sẽ phải chịu lãi suất đi vay tính theo từng ngày. Hoặc đối với các thị trường hàng hóa khác như giao dịch vàng phi vật chất, dầu, ngoại hối…nếu NĐT giữ vị thế qua đêm, qua nhiều tuần đều chịu mức phí rất đắt đỏ – điều này không có khi NĐT giao dịch CKPS.

2. Chiến lược giao dịch lướt sóng trong ngày

Chiến lược giao dịch lướt sóng trong ngày có ưu điểm là không chịu rủi ro về những tin tức không thuận lợi qua đêm. NĐT sẽ đóng hết vị thế trước cuối giờ giao dịch và yên tâm nghỉ ngơi chờ đến ngày giao dịch kế tiếp mà không sợ bất kỳ một tin tức bất lợi nào sau đó. Một ưu điểm khác nữa là NĐT vẫn có thể kiếm lời tốt ngay cả khi xu hướng trung hạn của thị trường không rõ ràng hay nói cách khác là xu hướng đi ngang. Bởi hàng ngày thị trường vẫn có những dao động để NĐT có thể lướt những con sóng này và kiếm được lợi nhuận tốt.

Cũng giống như chiến lược giao dịch 1. Để xác định xu hướng chủ đạo lướt sóng trong ngày, NĐT trước tiên cũng cần biết xu hướng trung hạn, ngắn hạn đang thế nào – NĐT tham khảo ở chiến lược 1 trên. Sau đó, để xác định được xu hướng chính trong ngày, NĐT cần phân tích đồ thị của các chỉ số chính đại diện nhất. Cụ thể là chỉ số VN Index, và đặc biệt chỉ số VN30 làm cơ sở, xác định xu hướng ngắn hạn cụ thể của VN30 trên biểu đồ ngày và giờ.

Một điểm khác của lướt sóng trong ngày là NĐT cần tìm hiểu và nhạy bén với các tin tức ảnh hưởng tới vĩ mô, ảnh hưởng đến chỉ số VN30. Những tin tức này có thể làm thị trường biến động rất lớn theo ngày giờ mà ít có ảnh hưởng đáng kể tới xu hướng trung hạn của cả thị trường. Ví dụ, diễn biến chỉ số trong ngày sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tích cực nếu thị trường quốc tế tích cực và ngược lại. Các thông báo về tình hình vĩ mô như tăng trưởng GDP, tín dụng, lãi suất, FDI, thuế thu nhập… cũng tác động mạnh tới diễn biến giá trong ngày. Vì vậy, ngoài quan sát biểu đồ kỹ thuật, NĐT cũng cần theo sát các thông tin trên các phương tiện truyền thông để nắm bắt được các nội dung có thể làm thay đổi xu hướng ngắn hạn của thị trường.

Cũng giống như chiến lược giao dịch trung hạn, để nhận biết được xu hướng ngắn hạn cụ thể của chỉ số VN30, VN30F1M. NĐT có thể sử dụng các công cụ như kênh và đường xu hướng, quan sát các đỉnh thấp hơn hoặc đáy cao hơn trên đồ thị 1 ngày hay giờ hoặc 30 phút, 15 phút.  Để rõ hơn về kiến thức phân tích kỹ thuật, NĐT tìm hiểu thêm tại đây. Bước này chúng ta cần phân tích vài lần trong ngày.

Minh họa xu hướng tăng giảm trên đồ thị ngắn hạn:

Sau khi đã xác định được xu hướng chủ đạo của VN30, VN30F1M. NĐT theo dõi đồ thị và diễn biến giá VN30 và VN30F1M liên tục qua nến 15 phút, 30 phút hay 1h. NĐT nên phân tích trên Vn30 cơ sở kết hợp với VN30F1M và đặt lệnh trên VN30F1M. NĐT kết hợp các chỉ báo của biểu đồ, hỗ trợ kháng cự, Fibonacci hoặc nến Nhật Bản để xác định điểm đảo chiều. Nếu xu hướng chủ đạo là lên, NĐT chờ điểm vào tại các nhịp chỉnh, khi giá ở vùng hỗ trợ hoặc xuất hiện nến đảo chiều đi lên, giá chạm kênh giá dưới, giá chạm MA hỗ trợ… NĐT có thể mua vào dần. Ngược lại, nếu xu hướng chủ đạo là xuống, NĐT chờ nhịp nảy lên kỹ thuật, quan sát giá phản ứng với ngưỡng kháng cự là đường MA, đường cản chéo trên hoặc đường trên của kênh giảm giá, hoặc hình mẫu nến đảo chiều giảm giá để tham gia dần vị thế bán(Short).

Minh họa điểm mua lướt sóng trong ngày như đồ thị dưới đây:

Minh họa điểm bán lướt sóng trong ngày theo đồ thị dưới đây:

NĐT cũng cần quan sát các tín hiệu đảo chiều khác của thị trường. Ví dụ nếu đang ở xu hướng lên, giá của phái sinh thường cao hơn cơ sở. Nếu đột nhiên giá của phái sinh giảm trước và thấp hơn cơ sở thì đó cũng là tín hiệu của thị trường có thể đảo chiều đi xuống.

Đối với điểm cắt lỗ và chốt lời của lệnh giao dịch lướt sóng trong ngày nên là:  Sl:0.5-1%, TP: 1.5-3-5%. Ví dụ: NĐT mua 1 vị thế Vn30F1M tại 850đ  và dự kiến cắt lỗ khi giá giảm 0.5% và chốt lời khi giá tăng 1.5%. Như vậy, điểm cắt lỗ và chốt lời sẽ là 845.7đ và 862.7đ. Do diễn biến của TTCKPS diễn ra rất nhanh, đòn bẩy lớn nên để đảm bảo an toàn, khi NĐT đặt lệnh mua bán cần đặt luôn ngưỡng chốt lời và cắt lỗ để chủ động trong giao dịch. Để tìm hiểu thêm về lệnh điều kiện/ lệnh thông minh, NĐT xem tại đây.

Để hỗ trợ tốt hơn cho NĐT trong quá trình giao dịch, NĐT có thể tham khảo dịch vụ tư vấn offline và online của chúng tôi qua trang facebook với đường link sau: https://www.facebook.com/hscdongtienthongminh/

Một điểm khác biệt của chiến lược giao dịch lướt sóng trong ngày so với chiến lược 1 đó là: Đây là chiến lược giao dịch mà đôi khi NĐT sẽ giao dịch ngược với xu hướng trung hạn. Điều đó cho thấy rủi ro cũng sẽ lớn, và chiến lược giao dịch lướt sóng trong ngày này cần nhạy bén hơn hẳn chiến lược đầu tư trung hạn. Nên đối với những NĐT mới còn non kinh nghiệm, chúng tôi khuyến khích NĐT không nên sử dụng chiến lược giao dịch này trong thời gian đầu.

Do đây là một chiến lược khó, nên chúng tôi đề nghị NĐT cần tuân thủ những nguyên tắc giao dịch sau để tránh những rủi ro không đáng có:

+ Giao dịch chứng khoán phái sinh trước hết cần lưu ý nguyên tắc quan trọng nhất là tránh những sai lầm hay mắc phải và hạn chế thiệt hại trước khi nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận. NĐT nên ghi chép lại các sai lầm trước đó của mình và ghi nhớ tránh lặp lại các sai lầm cũ. Một sai lầm hay gặp nhất khi lướt sóng trong ngày là bị cuốn theo thị trường. NĐT thường giao dịch liên tục và dễ dẫn đến sao nhãng, quên đi xu hướng chính của thị trường, gây thiệt hại do đi chệch hướng tầm nhìn dài hạn ban đầu. Do đó, NĐT cần luôn tỉnh táo, luôn nhận biết được xu hướng chính và “Không chống lại xu hướng chính”.

+ Không vội vàng mở vị thế ở những thời điểm nhạy cảm không rõ xu hướng. Nhiều NĐT rất vội vàng khi mở vị thế ngay đầu ngày hoặc đầu phiên giao dịch buổi chiều. Những thời điểm này, cả hai bên cung và cầu còn đang thăm dò nhau nên xu hướng chưa rõ ràng và NĐT sẽ dễ bị sa lầy, làm mất phương hướng và kéo theo các giao dịch sau đó cũng bị sai lầm.

Khi không xác định được xu hướng rõ ràng của thị trường, NĐT nên hạn chế mở vị thế. Sau khi mở sai vị thế thường NĐT dần trở nên mất bình tĩnh, có tâm lý muốn mở thêm vị thế mới để gỡ gạc dẫn đến chuỗi sai lầm do tâm lý không còn vững. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đa phần vị thế mở sai là do loạn nhịp thị trường kèm tâm lý cố gỡ gạc. Do đó, khi NĐT thấy bắt đầu sai và cảm thấy bất an thì tốt nhất nên tạm thời dừng lại. NĐT nếu đã mở vị thế sai 2 lần liên tiếp thì nên mạnh dạn đóng vị thế, cắt lỗ và nên dừng giao dịch ít nhất 30phút  để tinh thần sáng suốt trở lại. Thông thường kể cả việc trading cả phiên đem đến lợi nhuận lớn nhưng chỉ cần sai, loạn nhịp trong vòng vài chục phút cuối có thể đánh mất hết thành quả cả phiên. Bên cạnh đó, đối với các phiên giao dịch mà thị trường không có xu hướng rõ ràng. NĐT nên đứng ngoài theo dõi. Bởi trong thị trường không có xu hướng hoặc khó đoán định, nếu NĐT không tuân thủ các nguyên tắc và chiến lược vạch sẵn sẽ rất dễ dẫn đến thiệt hại.

+ Đối với TT CK, lịch sử rất hay lặp lại. Các đỉnh và đáy ngắn hay trung hạn đều rất dễ có lần thứ hai và thậm chí nhiều hơn. NĐT cần lưu ý rằng các điểm đỉnh và đáy này chỉ đáng tin cậy khi nó được kiểm định lại ít nhất 2 lần. Ví dụ, đầu ngày chỉ số VN30 xanh từ đầu phiên và tăng lên 870đ sau đó giằng co ở đây 2 nhịp và suy yếu, sụt giảm trở lại thì lúc đó đỉnh 870 là điểm đáng tin cậy để mở vị thế Short trong phiên. Ngược lại, khi chỉ số từ trạng thái xanh chuyển sang đỏ thì mức đáy chỉ đáng tin cậy khi nó được test 2 lần, lúc đó có thể mở vị thế Long ở lần tiệm cận thứ 2 khi chỉ số có xu hướng giằng co không thủng.

+ Đây là thị trường có tính tâm lý rất cao, do đó NĐT cần luôn giữ bình tĩnh và hạn chế đuổi lệnh sau khi thị trường đã tăng/giảm mạnh. Thông thường sau các điểm break, giá sẽ tăng/ giảm mạnh sau đó. Ban đầu NĐT còn do dự không mở vị thế tại điểm break, nhưng khi thấy thị trường quá khỏe hay quá yếu thì lại hưng phấn/ bi quan theo và cố bám đuổi xu hướng đang hiện hữu dẫn đến việc mua bán khi giá đã tăng/giảm quá mạnh. Việc này dễ dẫn đến thất bại bởi sau những nhịp hưng phấn, thị trường lại trở nên kém sôi động và dễ đảo chiều. Bên cạnh đó, khi tâm lý không được tốt, NĐT cũng nên tránh giao dịch ngắn hạn. Tâm lý không tốt là lúc NĐT cảm thấy đang bực bội, đang buồn, đang hứng khởi quá, tim đang đập mạnh, hay lúc đang đói, đang no quá, lúc đang chịu sức ép trả nợ, đang có con nhỏ quấy khóc… Tóm lại là lúc Tâm không thoải mái vững vàng thì NĐT cần tránh giao dịch để tránh sai lầm không đáng có.

3. Chiến lược phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu đang nắm giữ bằng hợp đồng phái sinh chỉ số VN30

Một chức năng quan trọng của chứng khoán phái sinh là phòng ngừa rủi ro cho chứng khoán cơ sở. Đối với nhiều tổ chức hay NĐT lớn và chuyên nghiệp, việc kiểm soát và phòng ngừa rủi ro cho danh mục của họ là rất quan trọng. Trong các thị trường chứng khoán mới khi thị trường CK cơ sở vẫn còn ít các sản phẩm, giao dịch chưa đa chiều và thanh toán chậm thì chứng khoán phái sinh là một công cụ chủ chốt để bảo hiểm rủi ro cho danh mục. Ví dụ, khi NĐT vừa mua vào một danh mục cổ phiếu, nhưng ngay sau đó có tin rất bất lợi mà chứng khoán chưa về đến tài khoản(T+3 cổ phiếu mới về TK) để bán cắt lỗ, sản phẩm bán khống thị trường cũng chưa có. Lúc đó, NĐT muốn giảm thiểu rủi ro cho danh mục đã mua chỉ còn cách là bán đi một lượng tương ứng hợp đồng phái sinh chỉ số. Hoặc một khả năng khác là NĐT sở hữu danh mục chứng khoán rộng gắn với chỉ số. NĐT dự đoán TTCK cơ sở có khả năng giảm tuy nhiên lại không muốn bán cổ phiếu. Bởi bán ra CP sẽ tốn chi phí giao dịch hơn nữa để mua lại danh mục đã có khá khó khăn và  khó mua được ở mức giá tốt như trước. Khi đó, NĐT có thể giữ lại danh mục chứng khoán đã mua và bán HĐTL VN30. Lúc đó, phần giảm/ tăng giá trị danh mục sẽ được bù đắp bởi phần tăng/ giảm của HĐTL.

Ví dụNhà đầu tư A vừa mua vào một danh mục 200tr đồng cổ phiếu cơ sở có mức tương quan cao với VN30 như VIC, VNM, HPG, VCB…Chỉ số VN30 đang là 855đ. NĐT A kỳ vọng thị trường sẽ tăng điểm và dự kiến sẽ nắm giữ danh mục này khoảng 2 tháng. Tuy nhiên, ngay buổi tối của ngày mua danh mục trên, trên phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin rất xấu và thị trường chứng khoán nhiều khả năng sẽ giảm mạnh vài phiên liên tục. Danh mục chứng khoán vừa mua chưa về tài khoản và phải chờ 3 ngày sau mới bán ra cắt lỗ được. Do đó, ngay sáng hôm sau, NĐT A quyết định phòng ngừa rủi ro cho danh mục bằng cách bán ra 2 Hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Việc phòng ngừa rủi ro đã rất chính xác vì sau đó 3 ngày, chỉ số VN30 đã giảm 10% tương đương còn 770đ. Danh mục chứng khoán cơ sở của NĐT cũng giảm và lỗ tương ứng 10%, danh mục chỉ còn tương đương tiền là 180tr.

Bán ra 2 HĐTL Vn30 ở 850đ, NĐT A bỏ ra 30,6trđ (Chỉ số 850 x hệ số nhân 100000 x tỷ lệ ký quỹ 18% x số hợp đồng 2 = 30,6tr). Sau 3 ngày NĐT A thu được lời là: (85.000.000-77.000.000) x2= 16trđ

Như vậy, bù trừ hai khoản trên, NĐT A chỉ lỗ 4 tr đ. NĐT A đã tránh một khoản lỗ lớn bằng một khoản lỗ rất nhỏ với chi phí dự phòng ít (hơn 30tr). Rủi ro đã được phòng ngừa tốt khi có HĐTL và NĐT vẫn có thể giữ nguyên tiền hay danh mục đầu tư của mình.

Nếu biết chắc được xu hướng thị trường giảm điểm, tận dụng được xu hướng xuống này NĐT A mạnh dạn giao dịch đúng xu hướng và bán trội thêm so với giá trị cần phòng rủi ro thì NĐT A có thể kiếm thêm được tiền mà không bị lỗ. Đây không chỉ là phương pháp bảo hiểm rủi ro mà còn là một cách sinh lời tốt cho danh mục.

Tổng kết lại: Mỗi chiến lược giao dịch đều có điểm mạnh và điểm yếu của nó. Nếu không có nhiều thời gian, NĐT có thể chọn chiến lược giao dịch an nhàn là giao dịch theo xu hướng thị trường. Ngược lại, nếu có thời gian và kinh nghiệm tốt hơn NĐT có thể chọn chiến lược giao dịch lướt sóng trong phiên. Trên thị trường luôn có nhiều chiến lược giao dịch nên trước tiên NĐT cần tìm ra được chiến lược phù hợp. Đối với nhiều NĐT chuyên nghiệp thời gian dành cho chứng khoán đa phần là ngồi theo dõi và săn mồi, chỉ có khoảng 10% là giao dịch. Nếu bạn đang dành đa phần thời gian của mình để giao dịch chứng tỏ bạn rất dễ bị sóng chứng khoán cuốn đi. Việc phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các kịch bản của giá trong tương lai là điều rất quan trọng. Đây là bí quyết cốt lõi trong giao dịch chứng khoán nói chung và phái sinh nói riêng. Điều này đòi hỏi NĐT phải học tính kiên nhẫn và có kiến thức tốt về phân tích kỹ thuật để áp dụng các chiến lược giao dịch một cách bài bản và chuyên nghiệp. Sử dụng một chiến lược giao dịch phù hợp và nhuần nhuyễn là con đường dẫn NĐT tới thành công!

Chungkhoanphaisinh.org

BÌNH LUẬN

Xin mời bình luận của bạn
Xin mời điền tên bạn tại đây