Chứng quyền có bảo đảm

0
1926

Chứng quyền có bảo đảm là gì? Đây là câu hỏi mà đa phần các NĐT quan tâm khi sản phẩm này chuẩn bị ra mắt thị trường. Đây là sản phẩm được các công ty chứng khoán đủ điều kiện được phép phát hành. Chúng tôi sẽ giới thiệu cụ thể về sản phẩm mới này đến NĐT như sau:

1. Chứng quyền có bảo đảm

Chứng quyền có bảo đảm (Covered warrant – CW)  là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. NĐT sẽ trả một khoản phí(premium) để được sở hữu chứng quyền. CW cho phép người sở hữu được quyền mua (CQ mua) hoặc được quyền bán (CQ bán) chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo một mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước một thời điểm đã được ấn định, hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.

Tại sao lại gọi là Chứng quyền có bảo đảm:

  • Thuật ngữ “Covered” phản ánh đối với tổ chức phát hành, họ phải thực hiện một số biện pháp nhằm bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ đối với người sở hữu chứng quyền. Họ sẽ phải phòng hộ rủi ro (Cover hoặc Hedge) bằng cách mua/ bán chứng khoán cơ sở hoặc giao dịch các chứng khoán tương đương khác.
  • Tính chất có bảo đảm(vovered) còn được thể hiện ở các tổ chức phát hành cần phải nộp thêm một khoản ký quỹ. Khoản ký quỹ này bằng tiền hoặc chứng khoán cơ sở tại ngân hàng lưu ký khi phát hành CW. Tùy theo từng thị trường mỗi quốc gia mà giá trị khoản ký quỹ cũng khác nhau. Ở Việt Nam, theo thông tư 107/2016, tổ chức phát hành phải ký quỹ bảo đảm thanh toán với giá trị tài sản bảo đảm ban đầu tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền dự kiến chào bán.
  • Bên cạnh đó, khi phát hành CW, tổ chức phát hành phải có Nghị quyết Đại hội cổ đông thông qua phương án bảo đảm thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành cũng như điều lệ phải có điều khoản về quyền của người sở hữu chứng quyền. Vì vậy, người sở hữu CW là chủ nợ có đảm bảo một phần của tổ chức phát hành và tổ chức phát hành có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu.

2.Các loại chứng quyền có bảo đảm.

Có hai loại CW: chứng quyền mua và chứng quyền bán.

  • Chứng quyền mua (call warrant): là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở cao hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.
  • Chứng quyền bán (put warrant): là loại chứng quyền mà người sở hữu chứng quyền được quyền bán một số lượng chứng khoán cơ sở theo mức giá thực hiện hoặc nhận khoản tiền chênh lệch khi giá của chứng khoán cơ sở thấp hơn giá thực hiện tại thời điểm thực hiện.

3. Chứng quyền có bảo đảm được niêm yết và giao dịch ở đâu

Mặc dù được phát hành dựa trên một chứng khoán cơ sở khác nhưng theo thông lệ quốc tế, CW sẽ được giao dịch trên thị trường giao ngay cùng với cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… với phương thức giao dịch hoàn toàn tương tự như cổ phiếu. CW cũng được niêm yết tại Sở giao dịch giống cổ phiếu. NĐT cũng mua bán CW thông qua trung gian là các công ty chứng khoán giống cổ phiếu cơ sở.

4. Các thuật ngữ liên quan đến chứng quyền có bảo đảm

  • Chứng khoán cơ sở: Chứng quyền có bảo đảm có thể được phát hành trên nhiều chứng khoán cơ sở khác nhau như: Cổ phiếu, chỉ số chứng khoán, ETF.
  • Giá chứng quyền hay còn gọi là phí chứng quyền: Là số tiền mà NĐT phải trả cho tổ chức phát hành để sở hữu chứng quyền đó. Khi niêm yết và giao dịch trên Sở GDCK, giá chứng quyền chính là giá giao dịch trên thị trường. Thông thường giá này khá nhỏ so với giá trị thực tế của chứng khoán cơ sở.
  • Ngày đáo hạn: Mỗi CW đều có tuổi thọ riêng và kết thúc vào một ngày được xác định trước trong tương lai. Đây chính là ngày cuối cùng để NĐT sở hữu chứng quyền thực hiện quyền.
  • Giá thực hiện: Là giá của chứng khoán cơ sở được xác định trước dùng để tính toán khi NĐT thực hiện quyền.
  • Tỷ lệ chuyển đổi: Tỷ lệ chuyển đổi cho biết bao nhiêu chứng quyền cần có để được một chứng khoán cơ sở. Tỷ lệ chuyển đổi có thể là 1:1 hoặc 3:1.. tùy thuộc vào tổ chức phát hành đưa ra khi CW được phát hành.
  • Quyền của NĐT sở hữu CW: NĐT có quyền thực hiện hoặc không thực hiện quyền khi chứng quyền đáo hạn. Nếu NĐT không thực hiện quyền, khoản lỗ tối đa chính là khoản phí để sở hữu chứng quyền đó.
  • Kiểu thực hiện quyền: CW có thể được phát hành theo kiểu Châu Âu hay kiểu Mỹ:
  1. Chứng quyền kiểu Mỹ cho phép người sở hữu thực hiện quyền vào bất kỳ thời điểm nào, trước hoặc đến khi chứng quyền đáo hạn.
  2. Chứng quyền kiểu châu Âu chỉ cho phép người sở hữu thực hiện quyền khi chứng quyền đáo hạn.

5. NĐT sở hữu CW khác với cổ đông sở hữu cổ phiếu cơ sở như thế nào?

NĐT sở hữu CW có chứng khoán cơ sở là cổ phiếu sẽ không có bất cứ quyền nào đối với công ty như cổ đông của cổ phiếu đó. Cụ thể, NĐT sở hữu CW sẽ không có: quyền biểu quyết, quyền nhận cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm, quyền nhận cổ phiếu thưởng đối với công ty phát hành cổ phiếu cơ sở,….

Tất cả các sự kiện doanh nghiệp liên quan đến cổ phiếu cơ sở của CW (nếu có) phát sinh, chứng quyền sẽ được điều chỉnh thông qua giá thực hiện và tỷ lệ chuyển đổi.

Chứng quyền có bảo đảm luôn có thời hạn(đáo hạn). Do đó, NĐT cần xem xét bán lại CW hoặc nắm giữ đến khi CW đáo hạn. Ngược lại, cổ đông có thể nắm giữ cổ phiếu cho đầu tư dài hạn.

6. Phân biệt giữa CW và Quyền chọn

Chứng quyền có bảo đảm 1

7. Phân biệt giữa CW và chứng quyền công ty

Chứng quyền công ty cho phép người sở hữu có quyền được mua cổ phiếu phát hành thêm bởi công ty phát hành chứng quyền, với mức giá và tại thời điểm được xác định trước.  Thông thường chứng quyền công ty được phát hành đi kèm với việc phát hành trái phiếu công ty.

Chứng quyền có bảo đảm 2Chungkhoanphaisinh.org

BÌNH LUẬN

Xin mời bình luận của bạn
Xin mời điền tên bạn tại đây