Khi bắt đầu tìm hiểu về CKPS, NĐT thường cần rất nhiều lời giải đáp. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số câu hỏi thường gặp về TTCK Phái sinh mà NĐT mới thường quan tâm:
Tại sao lựa chọn Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu là sản phẩm đầu tiên?
Đối với thị trường CKPS dựa trên tài sản cơ sở là cổ phiếu, sản phẩm CKPS được lựa chọn để triển khai đầu tiên là HĐTL trên chỉ số cổ phiếu vì những lý do sau:
+ HĐTL chỉ số cổ phiếu dễ thực hiện và có độ rủi ro thấp hơn HĐTL trên cổ phiếu đơn lẻ.
Chỉ số cổ phiếu đại diện cho một rổ cổ phiếu trên thị trường, do đó có thể coi đây là một danh mục đầu tư đã được đa dạng hóa nhằm giảm thiểu rủi ro cá biệt của từng cổ phiếu. Như vậy, xây dựng sản phẩm phái sinh trên chỉ số cổ phiếu sẽ đáp ứng được yêu cầu đa dạng hóa và hạn chế rủi ro của NĐT.
Với chỉ số cổ phiếu, thị trường sẽ tập trung vào một sản phẩm chuyên biệt. Chỉ số cũng phổ biến rộng và có tính đại diện cao hơn so với một cổ phiếu. Một số nghiên cứu thực tiễn cho thấy sự xuất hiện của HĐTL trên chỉ số không ảnh hưởng hoặc có những ảnh hưởng tích cực đến thị trường cơ sở. Theo nghiên cứu của A. Antoniou, G. Koutmos, và A. Pericli1 đối với 06 thị trường Canada, Pháp, Đức, Nhật, Mỹ và Anh, kết quả cho thấy HĐTL trên chỉ số cổ phiếu có tác động tích cực làm giảm độ biến động của thị trường cơ sở, điều đó giúp thị trường cổ phiếu hoạt động hiệu quả hơn.
+ Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sản phẩm chứng khoán phái sinh đầu tiên thường được đưa vào giao dịch là HĐTL trên chỉ số.
Thống kê từ các quốc gia trên thế giới cũng cho thấy HĐTL trên chỉ số cổ phiếu luôn là sản phẩm đặt nền móng cho việc xây dựng thị trường chứng khoán phái sinh.
Nhà đầu tư CK PS là ai?
Thành phần tham gia đầu tư vào thị trường chứng khoán phái sinh có thể là các NĐT nhỏ lẻ hoặc các NĐT có tổ chức. Những tổ chức và cá nhân này không thể trực tiếp tham gia giao dịch mà phải thông qua các tổ chức trung gian đóng vai trò người môi giới để thực hiện hoạt động giao dịch trên thị trường
NĐT tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh với một trong các mục đích:
- Đầu cơ về giá
- Phòng ngừa rủi ro
- Giao dịch hạn chế chênh lệch giá
Hợp đồng Tương lai là gì?
Là một sản phẩm được phát triển từ Hợp đồng kỳ hạn. Về cơ bản, HĐKH và HĐTL là một hợp đồng thỏa thuận giữa 2 bên, 2 bên sẽ thực hiện mua bán một/nhiều loại tài sản cơ sở nhất định với một mức giá và thời điểm thanh toán được thỏa thuận vào thời điểm lập hợp đồng. HĐKH là một hợp đồng có tính song phương, được lập lên trên cơ sở tự thỏa thuận giữa 2 bên hợp đồng. Do đó, HĐKH có 2 nhược điểm chính: (1) sau khi tham gia hợp đồng, nếu NĐT có ý định thoát khỏi các quyền lợi/nghĩa vụ với đối tác, NĐT sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bên thứ 3 để chuyển giao hợp đồng; (2) NĐT sẽ phải hứng chịu toàn bộ rủi ro trong trường hợp đối tác của hợp đồng không thực hiện các nghĩa vụ đã được quy định tại hợp đồng. Việc tham gia hợp đồng có thể đi kèm với các khoản chi phí không nhỏ liên quan đến việc giám sát nghĩa vụ hoặc trách nhiệm pháp lý khi đối tác không thực hiện hợp đồng.
Do vậy, trước nhu cầu của thị trường, sản phẩm HĐTL đã được ra đời để khắc phục các nhược điểm trên của HĐKH với những đặc điểm chính sau:
- Hợp đồng tương lai, khác với Hợp đồng kỳ hạn, đã được chuẩn hóa về các điều khoản trong hợp đồng bởi tổ chức quản lý thị trường là Sở Giao dịch Chứng khoán. Các điều khoản được chuẩn hóa sẽ được quy định những điều khoản cụ thể về việc giao dịch và thanh toán của các bên.
- Do được chuẩn hóa và đảm bảo tính đồng nhất của hợp đồng, các bên của Hợp đồng có thể dễ dàng giao dịch Hợp đồng Tương lai trên thị trường tập trung theo nguyên tắc tương tự như giao dịch chứng khoán cơ sở. Việc tham gia vào một hợp đồng mới hoặc thoát khỏi một hợp đồng có thể được thực hiện thông qua hoạt động giao dịch mua/bán hợp đồng trên thị trường.
- Do được giao dịch liên tục trên thị trường, nên giá của Hợp đồng tương lai biến động liên tục tương tự như giá của chứng khoán tại thị trường cơ sở. Khi giá của Hợp đồng tương lai biến động, giá trị khoản đầu tư của NĐT vào hợp đồng sẽ biến động và ghi nhận lãi trong trường hợp giá biến động theo chiều hướng có lợi hoặc ghi nhận lỗ trong trường hợp ngược lại. Việc ghi nhận lãi/lỗ này sẽ được thực hiện hằng ngày.
- Để giảm thiểu rủi ro trong việc một bên mất khả năng thanh toán gây ảnh hưởng tới đối tác trong hợp đồng, việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua tổ chức trung gian là Trung tâm Thanh toán Bù trừ (TTTTBT). Nếu sử dụng cơ chế Thanh toán Bù trừ Trung tâm (CCP) thì Trung tâm thanh toán bù trừ sẽ là Bên Mua của mọi Bên Bán và Bên Bán của mọi Bên Mua của hợp đồng. Cơ chế này đảm bảo một bên của hợp đồng sẽ vẫn nhận được tiền/tài sản trong trường hợp đối tác trong hợp đồng không có khả năng thanh toán theo nghĩa vụ đã quy định.
- NĐT phải nộp ký quỹ trước khi tham gia giao dịch và phải duy trì khoản ký quỹ này theo các mức do TTTTBT quy định: để đảm bảo tính an toàn cho thị trường, TTTTBT yêu cầu tất cả nhà đầu tư tham gia mua hoặc/và bán hợp đồng phải nộp một khoản ký quỹ được gọi là Ký quỹ ban đầu cho TTTTBT, khi giá của hợp đồng tương lai biến động thì giá trị khoản ký quỹ này cũng sẽ biến động theo. Khi khoản ký quỹ này xuống thấp hơn mức kỹ quỹ được gọi là ký quỹ duy trì, thì nhà đầu tư phải bổ sung tiền/tài sản để tăng giá trị ký quỹ bằng tối thiểu mức ký quỹ ban đầu.
Thành viên giao dịch phái sinh là ai?
Là các tổ chức tài chính như: Công ty chứng khoán, Ngân hàng thương mại, Quỹ đầu tư… đáp ứng được các quy định thực hiện nghiệp vụ môi giới và tự doanh, tư vấn đối với giao dịch sản phẩm phái sinh (như HĐTL), là thành viên với SGDCK, đã đăng ký tư cách là thành viên giao dịch cho sản phẩm phái sinh, phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm của thành viên giao dịch của SGDCK/SGDCK phái sinh.
Thành viên bù trừ là gì?
Là các tổ chức tài chính đáp ứng được các quy định để thực hiện nghiệp vụ bù trừ cho giao dịch sản phẩm phái sinh, đã đăng ký tư cách thành viên với Trung tâm thanh toán bù trừ của SGD. Thành viên bù trừ thực hiện việc bù trừ chứng khoán phái sinh cho khách hàng và cho các giao dịch tự doanh của chính mình.
Trung tâm thanh toán bù trừ cũng quy định rõ mức ký quỹ duy trì và mức ký quỹ bắt buộc cho thành viên bù trừ. Tại một số thị trường, khi ký quỹ được chấp nhận là các tài sản khác ngoài tiền mặt, Trung tâm thanh toán bù trừ cũng quy định rõ giá trị của các tài sản thế chấp ký quỹ. Theo đó, thành viên bù trừ sẽ thực hiện kiểm định giá trị của các tài sản ký quỹ và báo cáo với Trung tâm thanh toán bù trừ.
Nhà tạo lập thị trường là gì?
Nhà tạo lập thị trường thường là các tổ chức, thành viên giao dịch. Mục đích có nhà tạo lập thị trường là để tạo tính thanh khoản và đảm bảo cân bằng cho giao dịch của các sản phẩm chứng khoán phái sinh.
Nhà tạo lập thị trường phải tuân thủ theo các quy định của Sở đặt ra, ví dụ: chào giá hai chiều và chào giá liên tục; khi nhận được yêu cầu chào giá, nhà tạo lập thị trường bắt buộc phải thực hiện chào giá hai chiều với thời gian chào giá và thời gian tồn tại của lệnh theo quy định do Sở đặt ra; Khối lượng và mức chênh lệch giữa giá chào mua/bán phải thực hiện theo quy định của Sở. SGDCK thường áp dụng các chính sách khuyến khích cho nhà tạo lập thị trường như giảm phí giao dịch và phí thanh toán.
Ngân hàng thanh toán chứng khoán phái sinh làm những việc gì ?
Thực hiện hạch toán và chuyển khoản cho các tài khoản giao dịch sản phẩm phái sinh, dựa trên kết quả hạch toán theo giá thực tế hàng ngày của Trung tâm thanh toán bù trừ. Ngoài ra, ngân hàng thanh toán kết nối với trung tâm thanh toán bù trừ để thực hiện việc giám sát giá trị tài khoản thực của khách hàng tại ngân hàng thanh toán. Ngân hàng thanh toán thực hiện thu phí đối với các giao dịch này.
Giao dịch Hợp đồng tương lai diễn ra như thế nào?
Trong quy trình này, thành viên giao dịch cũng đồng thời là thành viên bù trừ
(1)NĐT mở tài khoản giao dịch và tài khoản bù trừ tại thành viên giao dịch.
(2)Trước khi giao dịch, NĐT nộp ký quỹ ban đầu cho thành viên giao dịch.
(3)NĐT tiến hành đặt lệnh giao dịch. Số lượng ký quỹ ban đầu phải tương ứng với lệnh đặt, đồng thời phải đảm bảo nếu lệnh được khớp thì tổng số vị thế nắm giữ của NĐT sẽ không vượt quá giới hạn vị thế. Lệnh bao gồm thông tin:
- Tháng đáo hạn mà NĐT mong muốn
- Mua hay bán loại hợp đồng nào?
- Giá tương lai của hợp đồng
- Số lượng hợp đồng muốn giao dịch
(4)Hệ thống giao dịch xác nhận lệnh được khớp, gửi kết quả giao dịch lại cho thành viên giao dịch và cho trung tâm bù trừ. Thành viên giao dịch thông báo kết quả khớp lệnh cho NĐT.
(5)Dựa vào kết quả giao dịch, Sở tính toán ra giá trị thanh toán hàng ngày. Trung tâm bù trừ dựa vào đó tính toán được lãi lỗ của từng vị thế trong ngày giao dịch đó.
(6)Trung tâm bù trừ tiến hành gọi ký quỹ đối với những tài khoản có số dư ký quỹ dưới mức quy định.
(7)Nếu bị gọi ký quỹ, NĐT thực hiện nộp đầy đủ số ký quỹ bị thiếu hụt. Nếu tài khoản ký quỹ có số dư, NĐT có thể rút phần dư này.
Thuế giao dịch phái sinh được tính thế nào?
Căn cứ công văn số 11133/BTC-CST của Bộ Tài Chính ngày 21/08/2017 về chính sách thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng Hợp đồng tương lai trên thị trường chứng khoán phái sinh, quy định tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như sau:
+ Tỷ lệ áp dụng: 0.1% trên giá trị chuyển nhượng chứng khoán từng lần
+ Giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần = Giá thanh toán của HĐTL tại thời điểm xác định thu nhập tính thuế x Hệ số nhân hợp đồng x Số lượng hợp đồng x Tỷ lệ ký quỹ ban đầu chia (:) 2
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm khớp lệnh mua/bán hợp đồng tương lai hoặc thời điểm hợp đồng tương lai đáo hạn.
Ví dụ:
Hợp đồng tương lai (HĐTL) chỉ số cố phiếu VN30F1708 được xây dựng có hệ số nhân là 100.000 đồng. Tỷ lệ ký quỹ ban đầu của HĐTL này do Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) công bố là 10%.
Lúc 11h sáng ngày 19/08/2017, nhà đầu tư A khớp lệnh mua 10 HĐTL VN30F1708 với giá là 750 điểm chỉ số.
NĐT cá nhân A phải nộp số thuế TNCN trong giao dịch mua là:
750 x 100.000 x 10 x 10%/2 x 0.1% = 37.500 (đồng)
Lúc 11h15 sáng ngày 19/08/2017, nhà đầu tư A khớp lệnh bán 10 HĐTL VN30F1708, giá khớp lệnh của HĐTL nói trên lúc này giảm xuống còn 720 điểm.
NĐT cá nhân A phải nộp thuế TNCN trong giao dịch bán này là:
720 x 100.000 x 10 x 10%/2 x 0.1% = 36.000 (đồng)
Có các loại ký quỹ nào khi GD CKPS?
Ký quỹ tại thị trường CKPS là khoản tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư phải nộp trước khi tham gia vào hợp đồng để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã quy định.
a. Ký quỹ ban đầu: là số tiền mà NĐT phải đặt cọc đối với mỗi một hợp đồng chứng khoán phái sinh được giao dịch. Ký quỹ ban đầu được xác định theo công thức:
Mức Ký quỹ ban đầu= giá HĐ muốn mua/bán * hệ số nhân HĐ * số lượng HĐ mua/bán * tỷ lệ ký quỹ
Khi NĐT đảm bảo có đủ mức tiền và tài sản bằng tối thiểu mức Ký quỹ ban đầu, NĐT có thể đặt lệnh giao dịch.
Khi giao dịch của NĐT được thực hiện thành công, NĐT sẽ được ghi nhận là đang nắm giữ vị thế hợp đồng. Trong suốt quá trình NĐT nắm giữ vị thế, TTTTBT sẽ thực hiện hạch toán lãi/lỗ tại khoản ký quỹ này khi giá của hợp đồng tương lai trên thị trường biến động. Khi giá HĐ biến động theo chiều hướng bất lợi, giá trị ký quỹ của NĐT đó sẽ gặp lỗ
b. Ký quỹ duy trì: là số tiền tối thiểu phải có trên tài khoản của NĐT trong suốt quá trình duy trì vị thế. Khi tài khoản ký quỹ của NĐT không đạt được số dư quy định (tối thiểu bằng mức ký quỹ duy trì), NĐT sẽ bị gọi ký quỹ (margin call) bởi công ty chứng khoán, yêu cầu bổ sung tiền vào tài khoản ký quỹ để tài khoản quay trở về tối thiểu bằng với mức ký quỹ ban đầu.
Nếu giá của hợp đồng biến động theo chiều hướng có lợi, giá trị ký quỹ của NĐT tăng lên và NĐT có thể rút bớt một phần ký quỹ. Tuy nhiên, NĐT phải đảm bảo: giá trị ký quỹ còn lại sau khi rút không được thấp hơn mức Ký quỹ Ban đầu.
Khi NĐT thoát khỏi hợp đồng hoặc khi hợp đồng đáo hạn, NĐT sẽ nhận lại được khoản ký quỹ sau khi đã hạch toán các khoản lãi/lỗ và các chi phí phát sinh khác. Nếu khoản lỗ của NĐT lớn hơn giá trị ký quỹ của NĐT, nhà đầu tư có nghĩa vụ hoàn trả các khoản thiệt hại trên cho TTTTBT và công ty chứng khoán.
Vị thế là gì?
Nắm giữ vị thế là việc NĐT đang tham gia vào 1 bên của hợp đồng. Nếu NĐT đặt lệnh chào mua 1 hợp đồng và lệnh này được khớp trên thị trường, thì NĐT đó được coi là đang nắm giữ 1 vị thế mua. Ngược lại, NĐT được coi là nắm giữ 1 vị thế bán nếu NĐT tham gia vào bên bán 1 hợp đồng.
Tại sao lại có quy định về giới hạn vị thế?
Giới hạn vị thế được đặt ra nhằm ngăn ngừa việc một cá nhân hoặc tổ chức có thể nắm giữ số lượng hợp đồng quá lớn, qua đó gây ảnh hưởng đáng kể lên giao dịch của chứng khoán phái sinh. Việc sử dụng giới hạn vị thế sẽ giúp duy trì thị trường ổn định và công bằng, qua đó đảm bảo quyền lợi của các NĐT khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Làm thế nào để thoát khỏi hợp đồng đang tham gia?
Sau khi tham gia vào mua/bán hợp đồng, NĐT có thể nắm giữ vị thế cho đến thời điểm đáo hạn của hợp đồng hoặc thoát khỏi vị thế trước thời điểm đáo hạn. Ví dụ: nếu NĐT đang nắm giữ vị thế bán cần thoát khỏi HĐ thì NĐT cần đặt một/nhiều lệnh tại vị thế đối nghịch (tức là vị thế mua) trong đó: tổng số lượng hợp đồng chào mua bằng tổng số lượng vị thế bán đang nắm giữ với giá chào mua được thị trường chấp thuận. Nếu lệnh/các lệnh này được khớp, thì NĐT được coi là đã thoát khỏi toàn bộ vị thế của mình.
Việc thoát khỏi hợp đồng (đóng vị thế) được NĐT thực hiện trong những trường hợp sau:
- Khi NĐT có nhu cầu chốt lãi/lỗ;
- Khi NĐT không còn nhu cầu tham gia hợp đồng;
- Khi NĐT đang nắm giữ số lượng vị thế vượt quá mức quy định;
- Khi NĐT không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu;
HĐTL được thanh toán như thế nào?
Nguyên tắc thanh toán đối với HĐTL sẽ được quy định tại mẫu hợp đồng, theo đó việc thanh toán có thể được thực hiện dưới 1 trong 2 hình thức sau:
+ Thanh toán bằng tiền mặt: hình thức này thường được áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở không thể chuyển giao (chỉ số cổ phiếu, lãi suất, thời tiết, kết quả bầu cử, v.v…) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm nên được lựa chọn làm phương thức thanh toán cho sản phẩm đó. Giá trị tiền thanh toán sẽ được tính trên lãi/lỗ của khoản ký quỹ của NĐT khi giá hợp đồng biến động trên thị trường.
+ Thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất: áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở có thể chuyển giao (cổ phiếu đơn lẻ, trái phiếu, hàng hóa, v.v…) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm. Vào thời điểm đáo hạn, bên mua của HĐTL sẽ thực hiện chuyển tiền và bên bán HĐTL sẽ thực hiện chuyển giao tài sản cơ sở theo yêu cầu của Trung tâm Thanh toán bù trừ, thông qua hệ thống thanh toán của Trung tâm.
Tại sao tôi nên giao dịch Hợp đồng Tương lai?
Giao dịch Hợp đồng Tương lai có nhiều đặc điểm tương tự giao dịch chứng khoán cơ sở. Tuy nhiên, hợp đồng tương lai có một số đặc điểm khác biệt/lợi thế sau so với chứng khoán cơ sở:
- NĐT chỉ cần bỏ ra một số tiền (ký quỹ) bằng một phần giá trị của hợp đồng mà NĐT muốn tham gia. Đây chính là lợi thế đòn bẩy của Hợp đồng Tương lai.
- Tổng số lượng hợp đồng tương lai lưu hành không bị giới hạn: khác với cổ phiếu hay trái phiếu, hợp đồng tương lai không có khái niệm tổ chức phát hành. Số lượng hợp đồng lưu hành trên thị trường phụ thuộc vào nhu cầu của NĐT.
- NĐT có thể tham gia vị thế bán hợp đồng tương lai mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng đó. NĐT không cần phải có đủ tiền bằng tổng giá trị của hợp đồng để tham gia mua hợp đồng.
- Khi mua bán hợp đồng tương lai chứng khoán phái sinh, NĐT được thanh toán ngay lập tức về tiền hay hợp đồng mua khớp mà không cần chờ thanh toán sau vào ngày T+2 như chứng khoán cơ sở. Như vậy, qua mỗi một chu kỳ mua bán, NĐT sẽ biết chắc chắn luôn được mức lời hay lỗ bao nhiêu trên tài khoản chứng khoán.
- Sử dụng đòn bẩy tài chính cao nhưng NĐT không mất lãi suất đi vay tiền đòn bẩy tín dụng. NĐT có thể giữ vị thế mua hay bán một vài ngày, vài tuần hay vài tháng mà không mất một đồng lãi đi vay nào.
- Giao dịch linh hoạt theo cả hai chiều lên xuống của thị trường. Nếu chứng khoán cơ sở, NĐT chỉ có thể lời khi thị trường tăng điểm thì đối với CKPS, NĐT có thể kiếm lời cả khi thị trường giảm điểm. Miễn là NĐT giao dịch theo đúng chiều của thị trường. Thậm chí khi thị trường đi ngang không có xu hướng cụ thể nhưng nếu NĐT lướt sóng nhỏ, giao dịch theo các giao động nhỏ vẫn có thể kiếm lời.
- Phần mềm giao dịch chứng khoán phái sinh thường có các lệnh thông minh/ lệnh điều kiện. Lệnh này hỗ trợ NĐT chốt lời hay cắt lỗ chủ động mà không cần theo sát để biết diễn biến cụ thể của thị trường. Nếu NĐT có việc bận không theo sát được diễn biến thị trường, NĐT có thể treo lệnh chờ khớp, chờ chốt lời hay chờ cắt lỗ ở giá mà NĐT định sẵn từ trước.
Để biết được rõ hơn những lợi thế và ưu điểm của HĐTL, NĐT có thể tham khảo thêm trong phần ” Những ưu điểm của chứng khoán phái sinh” tại đây.
Lợi thế đòn bẩy của HĐTL là gì?
Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của CKPS đối với các chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch HĐTL, NĐT chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà NĐT muốn tham gia.
Ví dụ:
NĐT có nhu cầu tham gia vị thế mua 01 hợp đồng tương lai trên chỉ số HNX30 đáo hạn vào tháng 05/2018. Nhà đầu tư đặt lệnh mua 01 hợp đồng với giá chào mua là 103 điểm và được khớp trên thị trường với giá trên. Như vậy NĐT đã được ghi nhận là đã tham gia 01 vị thế mua với giá 103 điểm.
Nếu mẫu hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 quy định: hệ số nhân của 01 hợp đồng là 1 triệu đồng/điểm chỉ số thì giá trị 1 hợp đồng của NĐT trên bằng: 103 điểm * 1 triệu đồng/điểm chỉ số= 103 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu mức ký quỹ ban đầu được quy định là 15%, thì thay vì việc phải bỏ ra 103 triệu, NĐT chỉ phải bỏ ra số tiền và/hoặc tài sản có giá trị= 103 triệu * 15%= 15,45 triệu đồng để tham gia hợp đồng.
Rủi ro trong việc tham gia vào HĐTL là gì?
Lợi thế đòn bẩy, đòn bẩy cao có thể là con dao hai lưỡi với NĐT CKPS. Khi giá của hợp đồng tương lai biến động theo chiều hướng có lợi (ví dụ: giá hợp đồng tăng đối với NĐT nắm vị thế mua, giá hợp đồng giảm đối với NĐT nắm giữ vị thế bán), thì NĐT có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu. Nhưng ngược lại, khi giá hợp đồng biến động theo chiều hướng bất lợi, NĐT có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên khoản ký quỹ trong thời gian rất ngắn.
Khi giá trị ký quỹ của NĐT xuống thấp hơn mức cho phép (mức ký quỹ duy trì), NĐT phải nhanh chóng bổ sung ký quỹ. Nếu không bổ sung ký quỹ kịp thời, NĐT buộc phải đóng một phần/toàn bộ vị thế đang nắm giữ bằng việc đặt lệnh đối ứng để khớp. Khi giá hợp đồng tiếp tục biến động bất lợi trong khi vẫn chưa đóng được vị thế, khoản ký quỹ của NĐT vẫn sẽ phải hứng chịu các khoản lỗ có thể lớn hơn giá trị ký quỹ. Khi đóng được vị thế, NĐT vẫn phải thanh toán các thiệt hại cho TTTTBT và công ty chứng khoán nếu như giá trị ký quỹ của NĐT không đủ để chi trả.
Để giảm thiểu rủi ro khi tham gia CKPS, NĐT có thể tham khảo thêm phần kinh nghiệm đầu tư CKPS tại đây.
Đối tác bù trừ trung tâm là gì?
Đối tác bù trừ trung tâm (Central CounterParty-CCP) là một cơ chế hoạt động của Trung tâm Thanh toán bù trừ: trong đó tất cả các HĐ được giao dịch trên thị trường sẽ được bù trừ thông qua một đối tác duy nhất, được gọi là đối tác bù trừ trung tâm. Khi lệnh mua và lệnh bán hợp đồng được khớp trên thị trường giao dịch và hợp đồng tương lai được hình thành, thông tin này sẽ được chuyển đến TTTTBT để thực hiện biện pháp “Thế vị vị thế”: TTTTBT sẽ tách hợp đồng giữa hai bên thành 02 hợp đồng độc lập, trong đó:
- 1 Hợp đồng giữa bên mua và TTTTBT (là bên bán);
- 1 hợp đồng giữa bên bán và TTTTBT (là bên mua)
Cơ chế hoạt động CCP là một cơ chế giúp đảm bảo an toàn cho NĐT: khi một bên hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ theo quy định, bên kia vẫn có thể nhận được tiền hoặc/và tài sản từ phía TTTTBT.
Để giao dịch HĐTL, tôi phải làm gì?
Để tham gia giao dịch HĐTL, NĐT thực hiện theo các bước sau:
+ NĐT cần mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán là thành viên giao dịch thị trường chứng khoán phái sinh: Tài khoản giao dịch sẽ là tài khoản để NĐT đặt lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh và để nộp tiền hoặc/và tài sản dùng để ký quỹ cho hoạt động giao dịch trên tài khoản giao dịch của NĐT.
+ Trước khi bắt đầu giao dịch, NĐT cần nộp tiền hoặc/và ký quỹ theo quy định. NĐT xem hướng dẫn nộp tiền tại đây, quy định ký quỹ tại đây.
+ NĐT tiến hành tham gia giao dịch HĐTL theo hướng dẫn của Thành viên giao dịch và bổ sung ký quỹ khi được yêu cầu. Để được hướng dẫn giao dịch cụ thể, NĐT xem tại đây.
NĐT đã tham gia giao dịch trên thị trường cổ phiếu, liệu có được tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh không?
NĐT hoàn toàn có quyền tham gia giao dịch trên thị trường CKPS khi đã tham gia giao dịch trên thị trường cổ phiếu (thị trường cơ sở).
Ngoài ra, nếu NĐT đã có tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường mở tại công ty chứng khoán đồng thời là thành viên giao dịch (TVGD) Chứng khoán Phái sinh, NĐT được quyền sử dụng tài khoản giao dịch chứng khoán nêu trên để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, nhưng chỉ sau khi đã ký quỹ đầy đủ cho CKPS.
Trong trường hợp tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường của NĐT được mở tại CTCK không phải là TVGD thị trường CKPS thì nếu có nhu cầu tham gia thị trường CKPS, NĐT phải mở tài khoản giao dịch CKPS tại một CTCK khác là TVGD thị trường CKPS. NĐT có thể xem hướng dẫn mở TK CKPS tại đây.
NĐT có thể dùng chứng khoán để thế chấp khi tính giá trị ký quỹ được không?
Căn cứ vào Điều 22 Thông tư số 11/2016/TT-BTC, NĐT có thể sử dụng tài sản ký quỹ là tiền hoặc chứng khoán để thực hiện nghĩa vụ ký quỹ của mình. Đối với tài sản ký quỹ là chứng khoán, TTTTBT sẽ quy định:
- Danh sách những chứng khoán được chấp thuận làm tài sản ký quỹ;
- Tỷ lệ chiết khấu đối với tiền hoặc/và chứng khoán sử dụng làm tài sản ký quỹ;
- Tỷ lệ ký quỹ bằng tiền tối thiểu đối với khoản ký quỹ của NĐT.
Khi nộp tiền hoặc chứng khoán làm tài sản ký quỹ, NĐT phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ các quy định nêu trên của TTTTBT. Thành viên bù trừ có quyền quy định giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị ký quỹ duy trì, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền, loại tiền và chứng khoán được chấp thuận làm ký quỹ, tỷ lệ chiết khấu với các loại tài sản trên nhưng không được thấp hơn các giá trị tương ứng do Trung tâm Lưu ký quy định.
Tại Việt Nam có áp dụng cơ chế Đối tác bù trừ Trung tâm (CCP) không?
Có: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ đóng vai trò là Trung tâm Thanh toán Bù trừ theo cơ chế đối tác Bù trừ Trung Tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.
Sản phẩm phái sinh được triển khai đầu tiên tại VN là gì?
Theo thông lệ phát triển TTCKPS trên thế giới, Hợp đồng tương lai và Hợp đồng quyền chọn là những sản phẩm phái sinh đầu tiên và phổ biến nhất. Tuy nhiên, Hợp đồng Quyền chọn có những đặc điểm riêng biệt và cấu trúc sản phẩm phức tạp, khó tiếp cận đối với công chúng đầu tư. Trong khi đó, nguyên tắc giao dịch Hợp đồng Tương lai có nhiều nét tương đồng với việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở, phù hợp với các tiêu chí về tính đơn giản của việc thiết kế sản phẩm cũng như mức độ dễ tiếp cận với công chúng đầu tư. Do vậy, Hợp đồng Tương lai chỉ số được lựa chọn làm loại sản phẩm phái sinh đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.
Các tài sản được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL tại Việt Nam?
Trong giai đoạn đầu, các sản phẩm phái sinh được xây dựng dựa trên hai loại tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu niêm yết bởi Sở giao dịch chứng khoán và trái phiếu Chính phủ.
Đây là hai sản phẩm HĐTL phù hợp cho việc ra mắt thị trường CKPS tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các sản phẩm Hợp đồng tương lai và Chứng khoán phái sinh khác trên các loại tài sản cơ sở sẽ được ra đời dần khi điều kiện thị trường phù hợp.
HĐTL chỉ số cổ phiếu có các tháng đáo hạn như thế nào?
Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu được niêm yết theo các bộ mã hợp đồng, mỗi mã hợp đồng tương ứng với một tháng đáo hạn. Bộ mã hợp đồng được niêm yết dự kiến có các tháng đáo hạn là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng theo chu kỳ quý gần nhất (tháng cuối quý là các tháng: tháng 3,tháng 6, tháng 9 và tháng 12)
Ví dụ:
Tại thời điểm tháng 12-2018, Sở GDCK sẽ niêm yết bộ mã hợp đồng tương lai chỉ số cố phiếu bao gồm các tháng đáo hạn sau: tháng 12-2018 (tháng hiện tại), tháng 01-2019 (tháng kế tiếp), tháng 03-2019, tháng 06-2019 (2 tháng cuối quý gần nhất)
HĐTL chỉ số cổ phiếu được thanh toán như thế nào?
Cuối mỗi ngày giao dịch, một mức giá “thanh toán cuối ngày” được xác định làm cơ sở để Trung tâm bù trừ hạch toán lãi/lỗ cho các giao dịch phát sinh trong ngày hoặc giá trị của các vị thế đang nắm giữ như sau:
+ Với những hợp đồng mở mới trong ngày:
Lãi/lỗ vị thế mới mở = (Giá thanh toán cuối ngày – Giá giao dịch) x Hệ số nhân x Số lượng hợp đồng
+ Với những hợp đồng đang nắm giữ:
Lãi/lỗ với với vị thế đã có = (Giá thanh toán cuối ngày – Giá thanh toán cuối ngày liền trước) x Hệ số nhân x Số lượng hợp đồng
Vào ngày giao dịch cuối cùng, một mức giá “thanh thanh toán cuối cùng” được xác định làm cơ sở để Trung tâm bù trừ hạch toán lãi/lỗ cho các vị thế còn nắm giữ tới thời điểm đó. Giá thanh toán cuối cùng của HĐTL chỉ số cổ phiếu được xác định dựa trên chỉ số cổ phiếu trên thị trường cơ sở vào ngày giao dịch cuối cùng.
Khoản thanh toán cuối cùng = (Giá thanh toán cuối cùng – Giá thanh toán cuối ngày giao dịch liền trước) x Hệ số nhân x Số lượng hợp đồng.
- Giá trị các khoản lãi/lỗ của từng loại vị thế được tính để xác định tổng giá trị của các vị thế của NĐT.
- Nếu giá trị vị thế của NĐT < mức ký quỹ tối thiểu thì NĐT được yêu cầu bổ sung ký quỹ về bằng mức ký quỹ ban đầu.
- Nếu giá trị vị thế của NĐT > mức ký quỹ ban đầu thì NĐT có thể rút lãi (= giá trị vị thế – mức ký quỹ ban đầu).
Lợi ích của giao dịch HĐTL trên chỉ số so với giao dịch cổ phiếu?
Hợp đồng tương lai chỉ số cố phiếu là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại thị trường chứng khoán phái sinh trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới, với độ thanh khoản rất cao, giá trị giao dịch rất lớn và lớn gấp nhiều lần so với TTCK cơ sở. NĐT có thể sử dụng hợp đồng tương lai để thay thế cho việc mua chứng khoán cơ sở (cổ phiếu chứng chỉ quỹ, cổ phiếu đơn lẻ) để điều chỉnh danh mục đầu tư của NĐT.
So với việc đầu tư vào các cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng tương lai chỉ số có một số ưu điểm sau:
- Hình thức thanh toán dễ dàng và tiện lợi: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu-không phải là một tài sản có thể chuyển giao, nên việc thanh toán hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu được thực hiện bằng tiền dựa trên lãi/lỗ của các bên. Việc thanh toán được Trung tâm Thanh toán Bù trừ thực hiện liên tục trong ngày, đảm bảo giảm thiểu tối đa tính rủi ro đối tác của hợp đồng.
- NĐT có thể “mua cả thị trường cổ phiếu” thông qua việc mua hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, thay vì phải mua từng cổ phiếu đơn lẻ hoặc phải đầu tư qua một công ty quản lý quỹ;
- Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu mang lại lợi thế đòn bẩy cao hơn bất kỳ cổ phiếu đơn lẻ nào;
- Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chỉ cần yêu cầu phần vốn đầu tư thấp so với giá trị hợp đồng;
- Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu có rủi ro thấp hơn việc mua và nắm giữ cổ phiếu đơn lẻ;
- Đầu tư vào HĐTL chỉ số cổ phiếu, NĐT chỉ phải theo dõi diễn biến một chỉ số, không cần phải theo dõi hàng trăm cổ phiếu đơn lẻ;
- Tính ứng dụng cao: một hợp đồng tương lai trên chỉ số có thể sử dụng làm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhiều danh mục chứng khoán khác nhau của NĐT.
- Tính minh bạch và độ an toàn cao: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu bao gồm nhiều cổ phiếu thành phần, các hoạt động gây thao túng chỉ số sẽ khó thực hiện;
Nếu không có đúng trái phiếu để giao thì NĐT có được phép dùng trái phiếu khác không?
Nội dung mẫu Hợp đồng của HĐTL Trái phiếu Chính phủ sẽ quy định những loại trái phiếu được sử dụng làm tài sản chuyển giao. Trường hợp NĐT không có đúng loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm để giao, có thể sử dụng trái phiếu khác để giao nhưng đảm bảo trái phiếu dùng để giao phải là một trong các trái phiếu đủ điều kiện trong rổ trái phiếu giao hàng do SGDCK và VSD quy định.
Hệ số chuyển đổi là gì? Được dùng làm gì?
Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ cho phép người bán thực hiện nghĩa vụ chuyển giao bằng một trong số các mã trái phiếu đáp ứng tiêu chuẩn thanh toán hợp đồng. Giá của trái phiếu thanh toán này được tính toán bằng cách sử dụng hệ số chuyển đổi (Conversion factor). Về bản chất, hệ số chuyển đổi là tỷ lệ hoán đổi giữa trái phiếu giả định của hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ với trái phiếu thanh toán (có cùng mệnh giá) tại ngày chuyển giao vật chất. Theo đó, giá của trái phiếu thanh toán sẽ được xác định tại mức lợi suất bằng với mức lãi suất danh nghĩa của trái phiếu giả định đó.
Ví dụ:
Hệ số chuyển đổi = 1,24 nghĩa là 1 trái phiếu thanh toán được quy đổi bằng 1,24 trái phiếu giả định tại ngày thanh toán cuối cùng của hợp đồng.
Cơ chế khớp lệnh CKPS có giống như cổ phiếu không?
Cơ chế khớp lệnh đối với thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tương tự như trên thị trường cổ phiếu đó là: ưu tiên giá và thời gian.
- Ưu tiên về giá: lệnh đặt bán với mức giá thấp hơn hoặc lệnh đặt mua với mức giá cao hơn sẽ được ưu tiên thực hiện trước;
- Ưu tiên về thời gian: các lệnh mua hoặc bán có cùng mức giá thì lệnh nào được nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.
Các loại lệnh được sử dụng khi giao dịch HĐTL?
Lệnh giao dịch khi giao dịch HĐTL bao gồm các lệnh sau:
- Lệnh giới hạn: lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Mức giá tốt hơn là mức giá cao hơn mức giá xác định đối với lệnh bán và mức giá thấp hơn mức giá xác định đối với lệnh mua.
- Lệnh thị trường: lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh thị trường có thể là Lệnh thị trường giới hạn (MTK), Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc hủy (MOK), lệnh thị trường khớp và hủy (MAK), v.v…
- Lệnh giao dịch tại mức giá mở cửa/ đóng cửa ATO, ATC: lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá mở cửa (ATO) hoặc giá đóng cửa (ATC).
Trên nền tảng của các loại lệnh này, các thành viên thị trường còn phát triển các loại lệnh sâu hơn thành các lệnh điều kiện/lệnh thông minh để hỗ trợ tối đa NĐT trong quá trình giao dịch. Để tìm hiểu về các lệnh này, NĐT xem tại đây.
Tôi có thể xem thông tin về HĐTL ở đâu?
NĐT quan tâm có thể tìm hiểu kỹ hơn về chứng khoán phái sinh và hợp đồng tương lai trên các chuyên trang về chứng khoán phái sinh trên trang web của HNX tại đây, của các thành viên thị trường, hoặc chuyên trang của chúng tôi tại đây.
Khi tổ chức giao dịch sản phẩm phái sinh, Sở GDCK Hà Nội sẽ đăng tải các thông tin trên website bao gồm:
- Các loại sản phẩm chứng khoán phái sinh đang giao dịch
- Các mức giá giao dịch, giá tham chiếu, giá trần, sàn, v.v..
- Thông tin về khối lượng mở của từng loại chứng khoán, thông tin giá của mã hợp đồng có tháng đáo hạn gần nhất;
- Thông tin giao dịch trái phiếu và chỉ số cổ phiếu cơ sở
- Thông tin về thanh toán: giá thanh toán hàng ngày, cuối cùng, rổ trái phiếu chuyển giao và hệ số chuyển đổi khi niêm yết, khi chuẩn bị thanh toán.
- Các thay đổi về nội dung mẫu hợp đồng, các văn bản hướng dẫn, v.v…
Mẫu hợp đồng là thế nào?
Mẫu hợp đồng, là một dạng hợp đồng chuẩn quy định các điều khoản về nghĩa vụ/quyền lợi
của tất cả NĐT tham gia vào hợp đồng này. Mục đích của việc có một hợp đồng chuẩn là để NĐT có thể dễ dàng giao dịch hợp đồng một cách dễ dàng và ít tốn kém.
Nội dung mẫu hợp đồng của HĐTL thường sẽ quy định:
- Loại tài sản cơ sở được dùng để xác định giá hợp đồng và để chuyển giao (trong trường hợp chuyển giao vật chất)
- Nguyên tắc giao dịch (bước giá, giá tham chiếu, giới hạn giá, phiên giao dịch,v.v…): quy định các nguyên tắc về giao dịch hợp đồng mà NĐT phải tuân thủ khi tham gia giao dịch hợp đồng.
- Thời điểm đáo hạn của hợp đồng: một hợp đồng có thể có nhiều tháng đáo hạn khác nhau để NĐT lựa chọn. Tất cả các hợp đồng sẽ đáo hạn vào một ngày nhất định trong tháng đáo hạn của hợp đồng. Sau ngày đáo hạn, hợp đồng đó được hủy niêm yết và NĐT sẽ hoàn tất nghĩa vụ thanh toán vào ngày thanh toán cuối cùng.
- Giá trị hợp đồng/hệ số nhân: giá trị bằng tiền của một hợp đồng tương lai.
Giá trị/Quy mô hợp đồng = giá của hợp đồng x hệ số nhân của hợp đồng.
- Nguyên tắc thanh toán bù trừ quy định các nguyên tắc thanh toán bù trừ mà NĐT phải tuân thủ: mức ký quỹ là giá trị tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư phải nộp trước khi và trong suốt quá trình tham gia hợp đồng.
- Phương thức thanh toán: Hợp đồng có thể thanh toán bằng 2 hình thức: tiền hoặc/và chuyển giao vật chất.
- Giá thanh toán (hằng ngày, cuối cùng) là các loại giá được tính vào cuối ngày giao dịch được dùng để xác định lãi/lỗ trên từng vị thế của NĐT.
- Tài sản chuyển giao là những loại tài sản được chấp thuận để chuyển giao khi thanh toán hợp đồng (nếu HĐTL được thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất).
- Giới hạn vị thế là tổng số lượng vị thế trên 1 loại hợp đồng mà NĐT được phép nắm giữ trong suốt quá trình tham gia hợp đồng.
Mẫu hợp đồng sẽ được Sở GDCK và TTTTBT công bố trước thời điểm niêm yết hợp đồng đầu tiên. Sau đó, Sở GDCK và TTTTBT có thể điều chỉnh một số điều khoản trong mẫu hợp đồng để phù hợp với điều kiện thị trường. Việc điều chỉnh mẫu hợp đồng sẽ được các đơn vị trên công bố trước thời gian thực hiện điều chỉnh.