Hình mẫu cốc và tay cầm (Cup and Handle) xuất hiện khi thị trường đang trong xu thế lên giá và nó củng cố xu thế đó của thị trường. Mô hình này gồm hai phần: phần cốc và phần tay cầm. Mô hình cốc (3) kéo dài trong 1 đến 6 tháng còn mô hình tay cầm(5) kéo dài trong 1 đến 4 tuần. Phần cốc hình thành sau một đợt tăng giá của thị trường và có dạng đáy vòng xuống. Khi mô hình cốc hoàn thành một mô hình khung giao dịch sẽ tiếp tục hình thành ở phía bên phải và tạo nên cái tay cầm (như hình vẽ)
Thường thì tính củng cố của mô hình sẽ được đảm bảo hơn nếu xu thế tăng giá ban đầu (1) kéo dài trong vài tháng tức là đảm bảo nó không quá yếu. Cũng cần lưu ý với dạng của mô hình cốc: đáy của nó càng vòng càng tốt và nếu như nó quá nhọn và gần giống với chữ V thì rất dễ chuyển tính chất thành mô hình đảo chiều.
Một mô hình cốc hoàn hảo sẽ có hai thành cốc cao ngang nhau, độ sâu của nó hoàn lại khoảng 1/3 hoặc ít hơn mức tăng giá trước đó(đoạn số 2 bằng 1/3 đoạn số 1). Với thị trường có độ bất ổn lớn thì mức hoàn lại có thể hơn 1/3, thậm chí có thể đạt đến 2/3. Mô hình cái tay cầm làm cho đợt gia tăng giá ở bên phải cốc ngừng lại và biến động nhỏ kéo lùi giá lại một chút so với thành cốc phải.Toàn bộ chiều cao của khung thường đạt mức 1/3 chiều cao cốc (đoạn số 4 đạt mức 1/3 đoạn số 2). “Breakout” xuất hiện sẽ phá vỡ mức kháng cự và tiếp tục xu thế tăng giá của thị trường.
Mô hình này đa phần có được sau một xu hướng tăng trước đó, nhưng đôi khi nó cũng nằm ở đáy của một xu hướng xuống dài. Nếu mô hình có sau một xu hướng tăng thì khối lượng giao dịch trong đợt tăng giá này cần cao. Sau đó càng về đáy cốc khối lượng càng cạn. Khối lượng tăng dần thể hiện lực cầu mua ở cạnh phải cốc. Sau đó phần tay cầm khối lượng sẽ giảm thể hiện lực bán yếu, thị trường tạm nghỉ. Khối lượng giao dịch tăng mạnh vào điểm bùng nổ giá bứt phá khỏi đường viền cổ và tay cầm. Để chắc chắn, giá cũng cần nằm trên đường viền cổ hai phiên sau điểm bùng nổ. Đường viền cổ sau đó sẽ là đường hỗ trợ của giá. Đây là mô hình khá phổ biến trong thực tế.
Minh họa thực tế chỉ số VNINDEX của mô hình cái cốc tay cầm như đồ thị dưới:
Trong đồ thị trên ta thấy rõ, mức điều chỉnh như ở đoạn 2 tương đương 1/3 đoạn 1. Mức điều chỉnh ở đoạn 4 cũng tương đương 1/3 đoạn 2. Khối lượng giao dịch cũng diễn biến rất phù hợp với các giai đoạn hình thành cái cốc và tay cầm. Ở điểm phá vỡ, khối lượng cũng tăng rất mạnh. Đây là mô hình có một số đặc điểm giống mô hình tam giác hướng lên.
Biến thể của mô hình này là mô hình đáy vòng cung (Rounding bottom) hay hình đĩa hay đáy tròn. Ở các biến thể này, phần cốc có thời gian hình thành có thể lâu hơn. Phần tay cầm rất ngắn và không rõ ràng. Biến thể này thường xuất hiện ở đáy của một xu hướng giảm dài hạn trước khi đảo ngược thành xu hướng tăng. Nó thường được dùng để phân tích với biểu đồ hàng tuần. Thời gian diễn ra càng dài thì độ chính xác càng cao. Sự xác nhận của xu hướng tăng giá mới khi xu hướng biến động giá vượt qua đường miệng của vòng cung. Đây là một hình mẫu khá khó để xác định một cách chính xác thời điểm hoàn thiện hình đáy.
NĐT có thể tìm hiểu thêm về hình mẫu này cũng như các công cụ khác của phân tích kỹ thuật trong sách phân tích kỹ thuật tại đây.